BÀI DỰ THI “LAN TOẢ CUỐN SÁCH TÔI YÊU VÀ TẤM GƯƠNG HỌC TẬP SUỐT ĐỜI”

BÀI DỰ THI “LAN TOẢ CUỐN SÁCH TÔI YÊU VÀ

TẤM GƯƠNG HỌC TẬP SUỐT ĐỜI”

Chủ đề 1: Anh (chị em) giới thiệu nội dung và cảm nhận về một cuốn sách viết về Bác Hồ, thông qua nội dung cuốn sách, anh (chị em) đã học tập và làm theo Bác như thế nào trong học tập, công tác và trong đời sống?

Họ và tên: Hoàng Văn Khương

Sinh ngày: 27 – 7 – 1976

Đơn vị: Chi hội người mù Trung tâm hỗ trợ phát triển giáo dục hoà nhập Đà Nẵng.

Điện thoại: 0365148729

Email: khuongndc@gmail.com

Khi văn hoá đọc ngày càng phát triển trong cộng đồng thì những cuốn sách được ví là vốn tài liệu quý báu, là kho tàng tri thức của nhân loại sẽ phát huy được tiềm năng vốn có, lan toả yêu thương và những điều tốt đẹp đến mỗi chúng ta. Từ thời thơ ấu đến bây giờ, những cuốn sách, những câu chuyện kể về Bác là những gì mà tôi thích đọc nhất. Trong những tác phẩm văn học viết về Bác nổi tiếng và gần gũi là tác phẩm “Búp sen xanh”của nhà văn Sơn Tùng.

“Búp sen xanh” là tiểu thuyết đầu tiên viết về Chủ tịch Hồ Chí Minh và cũng là tiểu thuyết lịch sử nổi tiếng nhất của nhà văn Sơn Tùng. Xây dựng nên hình tượng Hồ Chí Minh từ khi cất tiếng khóc chào đời tại Làng Chùa quê ngoại tới khi rời Bến Nhà Rồng ra đi tìm đường cứu nước. Những biến thiên của lịch sử, của gia đình nội ngoại hai bên và quá trình định hình nhân cách, ra đi tìm đường giải phóng dân tộc của  Nguyễn Tất Thành cũng được nhà văn tái hiện sinh động và rõ nét.

Tác phẩm được nhà văn Sơn Tùng dày công sưu tầm tư liệu có liên quan trong thời gian dài, bắt đầu từ năm 1948 và hoàn thành năm 1980. Đây là tiểu thuyết có độ dài khoảng 300 trang khổ sách thông thường, được chia làm 3 chương: “Thời thơ ấu”, “Thời niên thiếu” và “Tuổi hai mươi”. Quê hương xứ Nghệ những năm đầu thế kỷ 20, nơi ấy là làng Sen quê nội, làng Hoàng Trù quê ngoại của Người hiện lên chân thực và bình dị. Những câu dân ca, bài vè, câu hò ví dặm đã theo bước chân của Hồ Chí Minh từ khi còn thơ ấu với tên gọi Nguyễn Sinh Cung. Người đọc cũng biết đến kinh thành Huế cổ kính, dòng sông Hương xanh mát lững lờ trôi, chợ Đông Ba, trường Quốc Học hay Bến Nhà Rồng…với tất cả những phong tục tập quán, lời ăn tiếng nói mỗi vùng miền được thể hiện một cách tự nhiên, chân thật.

Nhiều năm trở lại đây, cuốn tiểu thuyết đã được đưa vào tủ sách vàng của nhiều nhà xuất bản, được tái bản nhiều lần, được dịch sang tiếng anh và được in song ngữ.  “Búp sen xanh” là tác phẩm không chỉ thiếu nhi mà cả người lớn thuộc đủ mọi tầng lớp khác nhau đều đón nhận cuốn sách với tấm lòng tôn kính.

Mỗi cuốn sách khi đã đọc đều lắng sâu trong đó là những cảm nhận của bản thân. Với  “Búp sen xanh”, bằng lối hành văn giản dị, trong sáng, nhà văn Sơn Tùng đã cuốn hút tôi bằng cách gợi lên một hình ảnh về Bác Hồ  thật sống động, từ thời niên thiếu cho đến khi Người lên tàu ra đi tìm đường cứu nước. Một hình ảnh rất thân quen, rất gần gũi và giản dị. Và trong tâm trí tôi là câu chuyện về gia đình của cậu bé Nguyễn Sinh Cung cùng với những nhận thức, những bước đi đầu tiên của anh thanh niên Nguyễn Tất Thành trước khi ra đi tìm đường cứu nước tại bến cảng Nhà Rồng. Ở “Búp sen xanh” cảm nhận của tôi về hình ảnh Bác Hồ hoàn toàn khác với những gì tôi tưởng tượng về Người. Thời niên thiếu tôi được đọc cuốn sách và hiểu rằng gia đình là cái nôi bắt nguồn cho sự hình thành nhân cách của mỗi con người. Từ khi còn nhỏ Bác đã được dạy dỗ một cách chuẩn mực và tiếp thu được tư tưởng vì nước, vì dân từ ông ngoại – cụ Hoàng Xuân Đường và người cha kính yêu Nguyễn Sinh Sắc. Bên cạnh đó là tấm lòng yêu thương của mẹ – bà Hoàng Thị Loan, một hình mẫu của người phụ nữ Việt Nam yêu chồng, thương con. Từ cái nôi của quê hương và gia đình ấy, cậu bé Nguyễn Sinh Cung, tự là Tất Thành vốn thông minh, ham hiểu biết đã dần dần hình thành chí lớn của người con yêu nước.

Cuốn sách dường như có một nguồn sức mạnh cứ cuộn chảy trong tim tôi những mạch nguồn cảm xúc. Và cũng từ đó, hình ảnh cậu bé Nguyễn Sinh Cung, hình ảnh chàng thanh niên Nguyễn Tất Thành cứ luôn thường trực trong trí nhớ của tôi, gặp chuyện gì, gặp hoàn cảnh nào, dù trong việc học hành hay cuộc sống hằng ngày đều làm tôi liên tưởng đến Bác.

Trong tâm trí tôi là hình ảnh khung cửi dệt vải quen thuộc của người mẹ hiền bên chiếc bàn nhỏ của người con hiếu học, văng vẳng lời dạy của cha, có lời ca của ông Xẩm, có chị Thanh, anh Khiêm, có những người bạn và những kỷ niệm tuổi ấu thơ.

Cho đến tận bây giờ và chắc là mãi mãi về sau, cứ mỗi lần tôi nhớ đến những chi tiết trong tác phẩm thì như có một luồng điện chạy khắp người làm tôi xúc động đến mức tê dại. Đó là hình ảnh giữa kinh thành Huế xa lạ vào giáp Tết, trong khi cha bận đi chấm thi, anh Khiêm và chị Thanh đang ở quê, thì một mình cậu bé Nguyễn Sinh Cung vừa hơn mười tuổi ấy, tay vừa bế đứa em còn đỏ hỏn và khát sữa, nước mắt ngập tràn bờ mi nhìn thi thể mẹ hiền mà không biết phải làm sao.

Đó còn là hình ảnh xúc động khi Người đi vào phương Nam để tìm cơ hội ra nước ngoài, Người biết là có thể chuyến đi này sẽ không có ngày trở về nên Người muốn ghé vào vấn an cha già đang làm quan ở huyện Bình Khê (Bình Định), cũng là để từ biệt cha lần cuối.

Cảm nhận về cốt cách, tâm hồn, lòng yêu nước thương dân của Bác khi Người làm phu khuân vác tại Bến Nhả Rồng, sống chung với anh em thợ thuyền, bằng tấm lòng trong sáng, sâu nặng nghĩa tình, Người đã cảm hóa và trở thành thầy giáo dạy học cho anh em làm phu khuân vác vào ban đêm. Khi chia tay rời xa quê hương, Người có nói với anh Tư Lê rằng chỉ cần có đôi bàn tay là có thể đi ra nước ngoài để tìm hiểu về kẻ thù của mình, để tìm con đường đi cho dân tộc.

Những dòng cảm xúc không bao giờ vơi cạn về nhân cách, đạo đức của Người luôn khắc sâu trong tâm trí tôi khi khép lại cuốn sách. Tôi xin mượn lời của tác giả Sơn Tùng để kết thúc dòng tâm sự: “Trong cuộc đời của mỗi con người giai đoạn từ tuổi niên thiếu đến khi trưởng thành rất quan trọng bởi đây là giai đoạn hình thành nhân cách tâm hồn của mỗi con người. Các bạn trẻ khi đọc “Búp sen xanh” sẽ thấy một tấm gương sáng ngời về nhân cách, tâm hồn của chàng thanh niên yêu nước Nguyễn Tất Thành”.

Thông qua nội dung cuốn sách “Búp sen xanh” bản thân tôi đã học tập và làm theo Bác trong suốt cuộc đời mình trên các lĩnh vực học tập, công tác và cuộc sống.

Đối với lĩnh vực học tập, ngay từ thời còn niên thiếu ngồi trên ghế nhà trường bản thân tôi đã không ngừng cố gắng vượt mọi khó khăn theo gương Bác để học tập và vươn lên. Tuổi thơ của Bác cũng sống cùng cha mẹ, ông bà, anh chị tại làng quê, cũng biết bao khó khăn trong gia đình mà Bác phải vượt qua. Nhờ vào tấm gương của Bác tôi đã học tập, vượt mọi khó khăn trong gia đình đông con, kinh tế eo hẹp để trở thành một thầy giáo giảng dạy bộ môn Lịch sử. Nhưng cuộc đời đã không bằng phẳng khi tôi mắc bệnh hiểm nghèo và bị mù hoàn toàn lúc mới hơn hai mươi tuổi. Từ đây, việc học tập của tôi lại bắt đầu một trang mới, khó khăn và nhiều thách thức hơn. Ngồi lần sờ từng trang chữ nổi, chấm từng dấu chấm ngập ngừng tôi đã nghĩ về Bác, về những gì tôi đã đọc trong tác phẩm “Búp sen xanh”. Bác đã tiếp thêm nghị lực cho tôi cố gắng để viết tiếp ước mơ trở thành thầy giáo khiếm thị. Học tập ở Bác lòng kiên trì, ham học, tôi đã sử dụng thành thạo chữ nổi, công nghệ thông tin và một lần nữa tôi đã học, đã thi đậu rồi tốt nghiệp Đại học Sư phạm Hà Nội chuyên ngành Giáo dục đặc biệt, được trở về làm thầy giáo khiếm thị. Có thể nói trên con đường học tập không bằng phẳng của mình, tôi đã học tập Bác, noi gương Bác để vươn lên. Tiếp nối con đường học tập không ngừng của Người, tôi vẫn ngày ngày cố gắng học tập những điều bổ ích, phấn đấu và được vinh dự đứng vào hàng ngũ của Đảng. Học tập suốt đời theo gương Bác là mục đích, lí tưởng của tôi.

NHỮNG CỐ GẮNG TRONG HỌC TẬP CỦA BẢN THÂN

Trong công tác với nhiệm vụ hiện nay là thầy giáo khiếm thị dạy bộ môn Lịch sử, dạy Giáo dục cá nhân cho học sinh khiếm thị tại Trung tâm hỗ trợ phát triển giáo dục hoà nhập Đà Nẵng, bản thân tôi luôn học tập theo Bác và noi gương Bác. Nhận thức được tầm quan trọng của việc nêu gương, hỗ trợ học sinh khuyết tật học tập, chiếm lĩnh tri thức, vươn lên hoà nhập cộng đồng thì bản thân tôi đã không ngừng cố gắng vươn lên. Hình ảnh thầy giáo Nguyễn Tất Thành trong tác phẩm  “Búp sen xanh” lúc nào cũng hiện lên trong tâm trí tôi, giúp tôi như được tiếp thêm nghị lực về người thầy đức độ hết lòng yêu thương học trò. Vượt lên nghịch cảnh bản thân, noi gương học tập của Người, cho dù phải sống trong bóng tối, tôi đã không ngừng đổi mới phương pháp giảng dạy, đọc và nghe nhiều tài liệu, sách báo… để phục vụ công tác giảng dạy học sinh khuyết tật được tốt hơn. Và trong nhiều năm làm công tác giảng dạy tôi đã đạt được nhiều thành tích, được các cấp khen tặng Giấy khen, Bằng khen, chứng nhận chiến sĩ thi đua… Giáo dục và giúp đỡ học sinh khuyết tật noi gương Bác, các em đã có nhiều cố gắng và tiến bộ. Những chi tiết dù rất nhỏ trong tác phẩm “Búp sen xanh” nhưng khi tôi kể cho học trò của mình nghe các em đều rất xúc động, từ đó vun đắp cho các em ý chí, nghị lực, tình yêu thương…

 

GIẤY CHỨNG NHẬN CHIẾN SĨ THI ĐUA CƠ SỞ

 

BẰNG KHEN CỦA HỘI NGƯỜI MÙ VIỆT NAM

GIẤY KHEN CỦA HỘI NGƯỜI MÙ THÀNH PHỐ ĐẴNG VÀ CỦA GIÁM ĐỐC SỞ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO THÀNH PHỐ ĐẴNG

HÌNH ẢNH TÔI ĐANG DẠY HỌC SINH HỌC TẬP TẠI TRUNG TÂM

Trong lĩnh vực công tác hiện nay, tôi còn phụ trách Chi hội người mù của Trung tâm hỗ trợ phát triển giáo dục hoà nhập Đà Nẵng với vai trò là chi hội trưởng. Tôi đã không ngừng cố gắng hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao. Quan tâm, sâu sát, ân cần giúp đỡ hội viên vượt lên nghịch cảnh, cố gắng vươn lên học tập, chiếm lĩnh tri thức để hoà nhập cộng đồng, trở thành người có ích. Hình ảnh ông Xẩm với tiếng đàn trong mỗi buổi chiều thoang thoảng hương sen nơi làng quê xứ Nghệ lại hiện lên khiến tôi càng cảm thương cho những số phận kém may mắn đang cùng tôi nỗ lực mỗi ngày. Sự giản dị, chịu đựng gian khổ, lòng yêu thương con người của Bác đã tiếp thêm sức mạnh để tôi vượt qua mọi khó khăn trong công việc. Tôi đã lãnh đạo Chi hội người mù của Trung tâm hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ nhiều năm liền. Chi hội người mù được cấp trên ghi nhận và khen thưởng nhiều Giấy khen, Bằng khen. Các hội viên phấn khởi thi đua học tập, rèn luyện đạo đức theo gương Bác và nhiệt tình trong công tác hội.

 

BẰNG KHEN CỦA UỶ BAN MẶT TRẬN TỔ QUỐC VIỆT NAM THÀNH PHỐ ĐÀ NẴNG VÀ BẰNG KHEN CỦA CHỦ TỊCH UỶ BAN NHÂN DÂN

THÀNH PHỐ ĐÀ NẴNG KHEN TẶNG CHI HỘI

BẰNG KHEN CỦA HỘI NGƯỜI MÙ VIỆT NAM KHEN TẶNG CHI HỘI

Bên cạnh lĩnh vực và công tác thì trong cuộc sống hàng ngày bản thân tôi đã học tập và noi gương Bác mỗi ngày. Tuổi thơ yên bình, hạnh phúc bên cha mẹ và những người thân yêu, tôi đã học tập Bác để cố gắng sống tốt, sống có ích. Tuổi thanh niên vào đời, tôi bước vào cuộc sống của một người mù hoàn toàn với hai bàn tay trắng. Công việc dạy học không thể tiếp tục, tương lai, sự nghiệp về lại từ đầu. Tôi phải làm gì đây trong cuộc sống ngày mai. Vả rồi, một lần nữa tác phẩm “Búp sen xanh” lại hiện lên trong tâm trí tôi với hình ảnh Bác Hồ chỉ hai bàn tay trắng một mình ra đi tìm đường cứu nước. Tôi còn có cha mẹ, người thân, bạn bè… không lẽ tôi lại buông bỏ cuộc sống của mình. Từ nghị lực của Người đã tiếp thêm sức mạnh cho tôi vươn lên trong cuộc sống để tôi lao động, học tập, cống hiến sức lực khi có thể. Những mục tiêu trong cuộc sống của tôi dần dần được hoàn thành. Trong cuộc sống riêng tư, bản thân tôi đã cố gắng sống tốt, hoà đồng, vươn lên, không ngại khó, ngại khổ. Tôi đã học thêm Massage, làm hương để giúp đỡ, dạy nghề cho các em học sinh khiếm thị… Điều may mắn và hạnh phúc trong cuộc sống đã đến với tôi sau nhiều nỗ lực, khi tôi đã gặp được người yêu thương, biết đồng cảm với số phận của tôi để tôi có được một gia đình hạnh phúc. Vợ tôi hiện nay là giáo viên dạy trung học phổ thông. Hai con tôi hiện đang là học sinh lớp mười hai và lớp ba. Vợ chồng tôi cũng đã xây dựng được căn nhà ba tầng khang trang làm mái ấm hạnh phúc cho gia đình. Tuy cuốn sách nằm trong mục kho sách vàng dành cho thiếu nhi, nhưng tôi thấy nó phù hợp cho tất cả mọi lứa tuổi. Là bậc làm cha mẹ như tôi trong cuộc sống đã học được cách giáo dục con cái từ cụ Nguyễn Sinh Huy. Các con tôi đã dần dần trưởng thành, chăm ngoan, học giỏi, đã cảm nhận được những nét đẹp quý giá từ tuổi thơ và tâm hồn của Bác. Cuộc sống còn dài, tương lai còn rộng mở, Bác Hồ đã để lại cho chúng ta những bài học sâu sắc về lí tưởng, về ý chí, nghị lực, về những hoài bão lớn lao về cả tình thương giữa con người với con người, khi mà  “kẻ mù mắt không đáng sợ bằng kẻ sáng mắt mà mù tim”.

BÚP SEN XANH LÀ CUỐN SÁCH KHÔNG THỂ THIẾU TRONG TỦ SÁCH

CỦA GIA ĐÌNH TÔI

Khép lại cuốn sách, chúng ta càng kính yêu Người vô cùng bởi sự giản dị, lòng yêu thương con người, tình yêu quê hương đất nước sâu nặng ấp ủ trong trái tim cao quý của Người. Chúng ta vô cùng tự hào và kính yêu Người, dân tộc ta đã có một người Cha già ,vị lãnh tụ vĩ đại đã làm rạng danh cho dân tộc Việt Nam. Bản thân tôi sẽ nguyện theo dấu chân Người, làm theo tư tưởng, phong cách đạo đức của Người trong học tập, công tác và trong cuộc sống.