Hội người mù Quế Sơn – nơi cho tôi những con chữ đầu đời

Hội người mù Quế Sơn – nơi cho tôi những con chữ đầu đời

 

        Cuộc đời là con đường đầy chông gai mà mỗi người phải vượt qua, Chúng ta sẽ thất bại nếu không dám đối diện với thử thách. Ta sẽ vững tin hơn khi được ai đó động viên và tiếp sức cho ta. Đối với tôi, không còn nghi ngờ gì nữa, Hội người mù Quế Sơn chính là nơi mở ra cho tôi một  chân trời mới,  đã trở thành nơi cứu rỗi cuộc đời tôi giúp tôi  tự tin đi tìm ánh sáng cho bản thân mình.

       Cuộc đời tôi là cả một sự bất hạnh. Tôi ra đời là kết quả của một mối tình vụng trộm giữa ba và mẹ tôi. Ngay từ khi vừa mở mắt chào đời, tôi đã trở thành gánh nặng trách nhiệm nuôi dưỡng của hai gia đình  rồi cuối cùng tôi cũng được ba  mang về chăm sóc và nuôi dưỡng. Một thời gian sau, tôi lại về ở với mẹ. Lúc lên 5,6 tuổi gì đấy, bỗng một biến cố dữ dội bất ngờ xảy ra với cuộc đời của tôi. Vào một buổi chiều mùa hè năm ấy, tôi đang vui chơi cùng bạn bè thì bị lên cơn sốt nặng, tôi đã phải nằm trên giường bệnh gần một năm trời. Từ một đứa trẻ mập mạp, khỏe  mạnh, tôi đã bị gầy sút một cách đáng sợ. May sao thần chết đã quay lưng lại với tôi.Nhưng đôi mắt của tôi trở nên mờ dần và tối hẳn. Và tôi đã không còn được nhìn thấy ánh sáng, nhìn thấy thế giới xung quanh, nhìn thấy khuôn mặt của những người thân .
Nhưng nỗi bất hạnh của tôi vẫn chưa dừng lại ở đó. Nỗi đau bệnh tật chưa kịp nguôi ngoai thì chỉ vài năm sau, người mẹ của tôi – một điểm tựa tinh thần cho tôi – không nuôi tôi nữa. Thế là tôi lại phải trở về ở với gia đình của ba tôi.
Trong hoàn cảnh ấy, hơn lúc nào hết, tôi rất cần đến sự an ủi, sự sẻ chia, tình thương yêu của ba và những người thân trong gia đình. Nhưng không! Tất cả những gì tôi nhận được chỉ là sự ghẻ lạnh, sự mỉa mai, (trừ ba, nhưng dù thương tôi ông cũng đành phải im lặng). Có lẽ ai cũng có thể hiểu được hoàn cảnh của một đứa con ngoài giá thú!?
Vừa phải sống trong cảnh tối tăm mù lòa, vừa thiếu đi tình thương của người mẹ, xung quanh tôi chẳng có một điểm tựa nào để tôi có thể bấu víu, dựa dẫm về mặt tinh thần. Tôi thật sự đau đớn và tuyệt vọng vô cùng. Từ đó tôi sống trong cảnh lầm lũi. Tôi cảm thấy hụt hẫng và hờn trách cho số phận của mình sao mà hẳm hiu đến thế ? Mù lòa_đồng nghĩa với việc sẽ sống cùng với bóng đêm. Phải chăng đây là một nỗi bất hạnh đến tột cùng của sự khiếm khuyết thân thể mà tôi phải gánh chịu suốt cả cuộc đời.
Đứng giữa cuộc đời bất hạnh đó, tôi cứ ngỡ rằng định mệnh đã an bài số phận  mình như thế. Cuộc đời mình là một dấu chấm hết. chẳng còn gì để  mơ ước, hi vọng. Tôi lo sợ rồi đây mình sẽ chẳng làm được gì để nuôi sống bản thân. Mọi người nhìn tôi bằng ánh mắt thương hại, họ thấy tôi chẳng có một chút gì để gọi là tương lai; ngay cả những người thân trong gia đình cũng vậy. Họ nghĩ tôi là một món nợ, một gánh nặng cho gia đình suốt cả cuộc đời. Ôi, cuộc sống thật là vô nghĩa!
Trong lúc đau khổ nhất, tuyệt vọng nhất thì điều kì  diệu đã đến với tôi. Đúng như người ta thường nói: “Trong tột cùng của sự tuyệt vọng thì sẽ nẩy mầm hi vọng”. Tôi còn nhớ như in: Vào một buổi chiều mùa hè nóng bức năm ấy, tôi và cả gia đình đang cặm cụi làm việc thì có hai người khách lạ: Một chú cựu chiến binh hỏng mắt và một cô bình thường đến nhà. Sau một hồi nói chuyện, tôi được biết người cựu chiến binh mù kia là chú Nguyễn Đức Tứ  – Chủ tịch Hội người mù huyện Quế Sơn và cô Trần Thị Thu Huyền – cán bộ sáng của huyện hội. Hai cô chú đến hướng dẫn cho ba tôi làm hồ sơ để tôi được tham gia lớp học chữ nổi dành  cho người mù trên toàn huyện; và trở thành hội viên của hội.Vừa nghe xong câu chuyện, tôi thật sự vui sướng xiết bao! Thế là tôi sắp được đi học. Và một thời gian sau, tôi đã khăn gói theo ba để đi học. Đó như là một bước ngoặc đã thay đổi cuộc đời tôi! Cuộc sống của tôi sẽ sang một trang mới.
Tôi quên thế nào được cái ngày đầu tiên tôi bước chân đến hội. Lúc đó tôi chỉ là một đứa trẻ ngu ngơ, khờ dại, nhút nhát sợ sệt; như một con chim non vừa biết bay đã bị lạc mẹ. Tất cả mọi thứ xung quanh tôi đều trở nên xa lạ và ồn ào khác hẳn với cái cảnh tĩnh lặng vốn có của miền quê nông thôn nơi tôi ở.
Thời gian đầu, tôi cảm thấy buồn và nhớ nhà vô cùng. Tối đến, tôi cứ nằm khóc mãi và tự hỏi tại sao mình không được ở nhà, không được sống gần người thân mà phải đến đây? Rồi ai sẽ lo cho mình?…Nhưng sự động viên, sự vỗ về, sự an ủi củacác cô chú, bạn bè đồng cảnh ngộ đã giúp tôi dần dần thích nghi và cảm thấy cuộc sống ở đây thật là vui vẻ và ấm áp tình người.
Khi đã quen với cuộc sống mới ở hội, với bạn bè, với thầy cô. Rồi tôi cũng bắt đầu làm quen với việc học chữ  Braille. Lúc mới tiếp cận với những chấm nhỏ li ti của kí hiệu chữ nổi, tôi thật sự cảm thấy khó khăn vô cùng. Song nhờ sự tận tâm chỉ bảo của thầy cô cộng với sự nỗ lực của bản thân,  từng bước tôi đã đọc và viết được chữ nổi, làm được những bài toán cộng, trừ đơn giản. Trải qua thời gian, rồi tôi cũng đã hoàn thành khóa học. Và được nhận giấy khen với danh hiệu học viên xuất sắc nhất khóa học. Và đấy là bước đệm đưa tôi đến với trường Nguyễn Đình Chiểu và giúp tôi  tìm được con đường sự nghiệp của mình.
Dù khóa học chỉ gần ba tháng ngắn ngủi thôi nhưng chính đã gieo cho tôi niềm tin tưởng, hy vọng, cho tôi nhiều thứ mà chẳng bao giờ tôi có thể quên được. Giờ đây dù đã trở thành người thầy nhưng từ sâu trong tâm khảm tôi vẫn luôn nhớ về Hội như là ngôi nhà chung của những người đồng cảnh ngộ; nhớ đến công ơn của các cô chú lãnh đạo Hội dù giờ đây chú đã nghỉ hưu và cô cũng đã đi xa; nhớ đến những người thầy đã dạy cho tôi những con chữ đầu tiên trong quãng đời học trò.