TẤM GƯƠNG THẦM LẶNG

1 Cuộc sống có đầy đủ nỗi đắng cay và mật ngọt nên mỗi người sinh ra sẽ mang một số phận    khác nhau. Dù tạo hóa không ban cho ta mật ngọt thì ta phải cố gắng thêm gia vị cho nỗi đắng cay lắng dịu nhằm tự cân bằng cuộc sống của mình. Người nào làm được điều đó thì đã khẳng định sự thành công rực rỡ. Nếu ai một lần tiếp xúc với thầy giáo Hoàng Văn Khương – một thầy giáo khiếm thị, người đồng nghiệp thân thương, người em mà tôi luôn ngưỡng mộ – thì sẽ biết được những việc làm đem lại điều kì diệu để em tự khẳng định mình trên cả những người bình thường khác. Với tôi, em là tấm gương thầm lặng soi vào các góc khuất tâm hồn của rất nhiều người trong đó có tôi. Em là tia nắng ban mai vuốt ve tâm hồn của các thế hệ học sinh cùng cảnh ngộ. Những dòng tâm sự này của tôi chỉ bộc bạch được một phần tình cảm và sự ngưỡng mộ mà tôi dành cho tấm gương thầm lặng ấy mà thôi.

 

Tôi được biết, cuộc đời em là một chuỗi đắng cay mà em phải đối diện, phải chấp nhận. Năm 1997, sau khi tốt nghiệp sư phạm khoa Lịch sử và về công tác tại một ngôi trường ở tỉnh Đắc Lắc thời gian 5 năm, căn bệnh về mắt đã làm thay đổi hoàn toàn cuộc sống của em. Sau nhiều lần chữa trị không thành, hai mắt của em không còn nhìn thấy ánh sáng. Từ một người bình thường trở thành người khiếm thị, em vô cùng buồn chán, tuyệt vọng và cảm thấy tương lai trước mắt như đóng sập lại. Nhưng vì tình yêu nghề, ước mơ được cống hiến cho đời đã thôi thúc em vượt lên số phận để sống có ý nghĩa hơn. Năm 2001, em xin về công tác tại trường Phổ thông Chuyên biệt Nguyễn Đình Chiểu ((nay là Trung tâm hỗ trợ phát triển giáo dục hòa nhập Đà Nẵng) để giảng dạy cho học sinh khiếm thi. Tại đây, em đối diện với bao khó khăn, thử thách vì phải mày mò học tập từng con chữ Braille và cuối cùng em đã làm được tất cả.Tôi ngưỡng mộ em vì gặp một cú sốc lớn như vậy nhưng em vẫn cố gắng vượt lên những thử thách để hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được phân công.

Những năm giảng dạy ở trường Thực hành Sư Phạm, tôi dạy học sinh khiếm thị học hòa nhập và có một thời gian dạy hợp đồng tại trường Phổ thông Chuyên biệt Nguyễn Đình Chiểu nên tôi được thường xuyên gặp em. Vẫn là sự trân trọng, quý mến và ngưỡng mộ tôi dành cho em chứ tôi chưa hiểu rõ hoàn cảnh gia đình em như thế nào. Tiếp xúc với em và các học sinh khiếm thị, tôi nhận thấy mình là người quá may mắn nên quan niệm về hạnh phúc của tôi cũng có sự thay đổi từ đó. Tôi nhận ra rằng hạnh phúc là được tạo hóa ban cho ta một thân thể lành lặn, khỏe mạnh. Hạnh phúc là cho và nhận tình thương yêu, sự sẻ chia. Hạnh phúc có được khi ta thực hiện tâm nguyện làm được những việc có ích cho đời .Và tất nhiên hạnh phúc không phải là có nhiều tiền bạc. ..Tấm gương của em đã làm cho tôi cảm thấy những vất vả trong cuộc sống, những gian khó trong công việc của mình không là gì so với hoàn cảnh của em. Vì vậy tôi đã điềm nhiên sống, bằng lòng những gì mình có và phấn đấu không mệt mỏi để hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.

Năm 2010, tôi chuyển về giảng dạy tại trường Phổ thông Chuyên biệt Nguyễn Đình Chiểu. Được dịp tiếp xúc nhiều với em nên tôi hiểu em nhiều hơn. Tôi thầm ngưỡng mộ những việc mà em đã làm. Trước khi về công tác tại đây, dù lúc ấy đã gần 30 năm cống hiến cho sự nghiệp trồng người nhưng tôi chỉ đặt riêng cho mình một tiêu chi để đánh giá công việc của mình: Hoàn thành tốt tất cả nhiệm vụ được giao, được phụ huynh tin tưởng cũng như truyền đạt đầy đủ kiến thức và nhận thức cho học sinh. Học sinh do tôi bồi dưỡng tham gia các kì thi chọn học sinh giỏi hay các phong trào khác đoạt được các giải để đem lại danh dự cho nhà trường. Hoặc nhiều năm liên tiếp học sinh của tôi nắm chắc kiến thức và đạt chất lượng cao trong các kì thi cuối kì, chuyển cấp theo đề chung của Sở Giáo dục – Đào tạo thì tôi hạnh phúc vô cùng vì cảm thấy việc làm của mình có ý nghĩa… Nơi đây, cùng em thực hiện nhiệm vụ trong tổ Trung học Hòa nhập, tôi nhận thấy em là tấm gương làm thay đổi cách nhìn, cách sống của tôi. Em làm việc không mệt mỏi, nghiên cứu làm những mô hình nổi có phụ chú chữ Braille nhằm giúp học sinh khiếm thị nắm vững kiến thức. Em đã đúc kết lại những kinh nghiệm của mình để chia sẻ cho đồng nghiệp đồng thời tự tin đăng kí và đạt được danh hiệu chiến sĩ thi đua cấp cơ sở nhiều năm. Thành tích của em không những khẳng định bản thân mình mà còn đóng góp vào phong trào của tập thể. Điều đó làm tôi thực sự cảm thấy xấu hổ vì bản thân mình lành lặn mà không đóng góp danh hiệu nào cho tập thể. Bởi vậy, noi gương em, sáu năm còn lại trong sự nghiệp trồng người của mình, tôi cố gắng phấn đấu không ngừng và lập được nhiều thành tích đóng góp vào công tác giáo dục học sinh khuyết tật đồng thời cũng đóng góp vào phong trào thi đua của tập thể. Em đâu biết rằng tôi luôn âm thầm học tập em để trở thành “đôi bạn cùng tiến” với em. Tuy nhiên, tôi vẫn khẳng định rằng mình không thể bằng em vì mình là người bình thường chứ không phải khuyết tật như em.

 

Mặc dù em được đào tạo ngành Sư phạm hệ chính quy và làm công tác giáo dục hơn 20 năm nhưng vì quy đinh của Luật Giáo dục đối với người khuyết tật nên em chỉ được hưởng mức lương rất thấp theo hệ số của nhân viên. Tôi luôn trăn trở về điều ấy và có lần không kìm nén được nỗi xót xa, tôi đã bộc bạch với em. Tôi tưởng em cũng có sự bất mãn, nỗi bức xúc như những ai nằm trong hoàn cảnh ấy. nhưng em đã trả lời tôi bằng một giọng rất vui vẻ: “Thôi chị, mình không nhìn thấy mà có công việc làm ổn định vừa lo được cho cuộc sống của bản thân, vừa được đóng góp cho xã hội là vui lắm rồi, em không buồn đâu chị.”. Nghe em nói, tôi càng thương em hơn tôi chỉ thầm mong các điều khoản trong Luật được đưa ra bàn bạc, thảo luận và thay đổi để mức lương của em được cải thiện phù hợp với ngành đào tạo và công sức đóng góp của em.

Nhưng đồng lương ít ỏi không là rào cản nhiệt huyết luôn nung nấu trong em. Lòng yêu nghề, thương yêu học sinh, khát vọng cống hiến cho đời đã thôi thúc em làm việc không mệt mỏi. Đối với học sinh, em là người thầy, người anh luôn thương yêu và dìu dắt thế hệ trẻ. Là một Chi hội trưởng Chi hội người mù Trung tâm hỗ trợ phát triển giáo dục hòa nhập Đà Nẵng, em luôn động viên các hội viên trong Chi hội tham gia tích cực các phong trào thi đua do lãnh đạo các cấp phát động. Chi hội đã gặt hái những kết quả tốt đẹp và nhận được nhiều giấy khen, bằng khen của cấp trên. Em là tấm gương sáng về tinh thần vượt khó để khẳng định bản thân, là người truyền cảm hứng cho học sinh khuyết tật để các em có niềm tin về cuộc sống, tự tin vươn lên để hòa nhập với cộng đồng…Tôi có thể khẳng định rằng hình ảnh em không có lời văn nào ghi được hết, không một nét bút nào phác họa để lột tả được hết, chỉ biết rằng em luôn để lại ấn tượng tốt trong tim mọi người.

Không những có những đóng góp cho xã hội mà em là người chồng, người cha mẫu mực trong một gia đình có 4 thành viên. Nếu ai có một lần nào đến thăm nhà em chắc hẳn không khỏi ngạc nhiên trước tổ ấm mà vợ chồng em vun đắp. Vợ em – cô giáo Nguyễn Thị Hồng đang công tác tại trường Trung học Phổ thông Thanh Khê – rất yêu thương, quý trọng chồng nên tìm mọi cách giúp đỡ để chồng luôn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao. Người vợ nhiều năm đưa đón chồng đi vế trên đường từ nhà đến trường và đã tự nguyện học chữ nổi Braille để hỗ trợ cho chồng trong việc dịch bài. Người vợ ấy đã cùng chồng nuôi dạy và chăm sóc hai con nhỏ… Với hai suất lương ít ỏi, hai vợ chồng em nuôi thêm gà, trồng rau để có thể cải thiện bữa ăn hằng ngày và có thêm một khoản thu nhập khác ngoài lương. Kết quả sự chắt chiu, dành dụm của hai vợ chồng là một ngôi nhà khang trang, mát mẻ để các thành viên trong gia đình yên tâm làm việc và học hành…

 Untitled

Hạnh phúc bên con gái      

Cuộc đời của em chắc chắn là một câu chuyện dài mà khi đọc trang này thì độc giả lại muốn đọc trang tiếp theo và tiếp theo nữa. Em đã tự tìm mật ngọt để xua tan nỗi đắng cay mà tạo hóa đã an bài. Em đã trở thành tấm gương soi vào tâm hồn của mỗi người bằng chính những việc làm của em để người bình thường như tôi cảm thấy mình chưa được tốt còn những người khuyết tật sẽ lạc quan hơn, tự tin hơn trong cuộc hành trình tìm đến tương lai. Với tôi, em luôn là tấm gương thầm lặng mà tôi luôn ngưỡng mộ và mong rằng tấm gương ấy vẫn tiếp tục soi sáng để bản phác thảo này của tôi sẽ được viết thành câu chuyện dài về cuộc đời em.