Đi tìm ánh sáng trên giảng đường đại học

Đi tìm ánh sáng trên giảng đường đại học

                                                                      

Trong cuộc sống nhắc đến người khiếm thị thì người ta lại liên tưởng đến bóng tối, đến tương lai mù mịt đang chờ đợi họ. Nhưng nếu nhìn từ thực tế trước những nỗ lực để chiến thắng hoàn cảnh của các em học sinh khiếm thị Chi hội người mù Trung tâm Hỗ trợ phát triển giáo dục hòa nhập Đà Nẵng ( từ năm học 2016 – 2017 về trước là trường Phổ thông Chuyên biệt Nguyễn Đình Chiểu) thì những suy diễn, liên tưởng đó sai lệch hoàn toàn. Dưới sự chỉ đạo của Ban Thường vụ Thành hội Đà Nẵng, Ban Giám hiệu nhà trường, cùng với sự quan tâm, dìu dắt của các thầy cô và chính bản thân các em cũng đã hiểu rằng mình chỉ thiếu ánh sáng của đôi mắt nhưng không thiếu ánh sáng của tâm hồn, của nhân cách, của trí tuệ…nên các em đã phấn đấu không ngừng trong việc chuẩn bị tri thức làm hành trang tương lai. Chính vì vậy, các em đã thành công trên con đường đi tìm tri thức và tiếp tục đi tìm ánh sáng cho tương lai trên giảng đường đại học.

Nhìn lại kết quả của từng năm học đã khẳng định được sự cố gắng vượt qua bao nỗi khó khăn trong cuộc sống để đạt những thành tích đáng tuyên dương của các em học sinh khiếm thị cuối cấp Trung học Phổ thông. Để được tiếp cận với khối lượng kiến thức cao hơn ở chương trình Đại học, các em phấn đấu trang bị kiến thức và rèn luyện nhân cách làm xuất phát điểm để các em có thể tự tin bước vào con đường Đại học. Vì vậy, từ năm học 2012 – 2013 đến năm học 2017 – 2018, nhiều học sinh khiếm thị học hòa nhập tại trường THPT Nguyễn Thượng Hiền Đà Nẵng đã tự khẳng định mình ở vị thứ nhất, nhì của lớp. Đó là các em Võ Văn Nhật, Lý Giang Huyên, Võ Thị Oanh Kiều, Trần Phú, Huỳnh Thị Thu Thủy, Đào Trung Hiếu, Hồ Thị Mỹ Vân, Nguyễn Thị Hằng, Mai Văn Hiền, Nguyễn Công Cường, Nguyễn Đoàn Uyên Thư, Trần Văn Hoàng, Nguyễn Hòa Phú…Các em đã có một quan điểm chung là phải có ánh sáng của tri thức, phải phát huy những điểm mạnh của mình để tự tin hòa nhập với cộng đồng và để làm người có ích cho đất nước.

1

Trần Phú phải chắt chiu từng đồng

        Điểm lại kết quả từng năm học và rà soát tỉ lệ vào đại học trong mỗi năm chúng ta mới những nỗ lực của các em là vô cùng. Năm học 2012 – 2013, em Võ Văn Nhật đã trúng tuyển vào trường Đại học Kinh tế – Đại học Đà Nẵng, em Lý Giang Huyên được đặt cách vào trường Đại học Luật Huế và em Võ Thị Oanh Kiều đã trúng tuyển vào Nhạc viện Huế (60%). Đặc biệt năm học 2013-2014, cả 4 em lớp 12 đều được trúng tuyển trong các đợt tuyển sinh Đại học năm 2014: Hai em Trần Phú và Huỳnh Thị Thu Thủy được tuyển thẳng vào trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn thành phố Hồ Chí Minh, em Đào Trung Hiếu đã trúng tuyển vào trường Đại học Ngoại Ngữ – Đại học Đà Nẵng và em Hồ Thị Mỹ Vân đã trúng tuyển vào trường Đại học Quảng Nam. Có thể thấy rõ kết quả năm học này rất đáng tự hào: 100% học sinh khiếm thị được bước vào giảng đường đại học. Năm học 2014-2015 em Nguyễn Thị Hằng được tuyển thẳng vào trường Đại học Sư phạm – Đại học Đà Nẵng (50%). Năm học 2015-2016, em Mai Văn Hiền trúng tuyển vào trường Đại học Kinh tế thành phố Hồ Chí Minh, em Nguyễn Công Cường đã trúng tuyển vào Nhạc viện Huế, em Nguyễn Đoàn Uyên Thư được xét tuyển vào trường Đại học Duy Tân Đà Nẵng (50%). Năm học 2016-2017, em Trần Văn Hoàng đã được tuyển thẳng vào trường Đại học Sư phạm thành phố Hồ Chí Minh (100%) Năm học 2017-2018, em Nguyễn Hòa Phú đã được tuyển thẳng vào trường Đâị học Luật thành phố Hồ Chí Minh …

1

Huyên vừa đi học vừa phải chăm mẹ bệnh tật

Giảng đường Đại học điều kiện cần thiết để các em chắp cánh cho tương lai nên các em đã cố gắng phát huy tất cả năng lực và năng khiếu của mình để thực hiện ước mơ đó.  Nhìn nhận hoàn cảnh của mỗi em chúng ta vô cùng khâm phục cho những cố gắng phi thường mà không phải ai cũng làm được. Ngoài những điểm chung là đặc điểm dạng tật nên rất khó khăn trong việc học tập, sinh hoạt, giao tiếp…và các khoản kinh phí phục vụ việc ăn ở, mua sắm phương tiện học tập mỗi em lại có hoàn cảnh gia đinh riêng. Các em vừa đi học vừa phải làm thêm mới tạm đủ khoản chi hằng tháng. Các em Lý Giang Huyên, Trần Phú phải đi bán thêm tăm, quạt giấy, đũa, bút, kẹo kéo…hoặc làm thêm Massage theo yêu cầu của khách hàng để vừa trang trải cho việc ăn ở, học tập vừa phụ giúp ba mẹ bệnh tật. Dù khó khăn như vậy nhưng kết quả học tập của các em rất đáng tự hào. Hiện tại em Huyên vừa tốt nghiệp Đại học Luật với kết quả loại giỏi. Em Phú đã  học xong năm thứ ba cũng đạt loại giỏi trong từng năm. Sau một thời gian lăn lộn với những khó khăn, đến nay em đã thuê phòng mở được cơ sở massage nho nhỏ để kiếm thêm thu nhập và tạo việc làm cho các bạn cùng cảnh ngộ.

1

Nhật và Kiều cố gắng phát huy năng khiếu khi còn học phổ thô

Bên cạnh hoàn cảnh đặc biệt của Huyên và Phú còn có những hoàn cảnh đáng lưu tâm khác. Em Đào Trung Hiếu quê ở thị xã Tam Điệp, tỉnh Ninh Bình có bố là bộ đội đã nghỉ hưu và mẹ là công nhân. Khi em được vào Đà Nẵng học, không yên tâm vì thể lực ốm yếu của con mà phải đầu tư vào việc học và để tiện bề chăm sóc cho con nên mẹ em phải vào thuê nhà gần trường và xin làm công nhân trong khu công nghiệp Hòa Khánh còn bố em vẫn ở quê chăm sóc cho em gái của em hiện đang học phổ thông. Với suất lương hưu của bố, lương công nhân ít ỏi của mẹ, gia đinh em phải sống một cảnh hai quê lại phải trả tiền thuê nhà mỗi tháng 1 triệu đồng (chưa kể tiền điện, nước) nên khó khăn vô cùng. Ba năm thực hiện ước mơ trên giảng đường em đã tìm thêm các suất dạy kèm môn tiếng Anh để cho mẹ giảm bớt nỗi vất vả. Em Võ Văn Nhật vùa tốt nghiệp Đại học Kinh tế đạt loại giỏi. Em may mắn hơn các bạn là được học ở trường gần nhà. Tuy vậy em cũng vừa cố gắng học tập vừa kiếm thêm thu nhập bằng việc biểu diễn đàn Ogan mà em đã cố gắng học ở cấp trung học để làm nghề tay trái của mình. Em Võ Thị Oanh Kiều sinh ra trong một gia đinh thuần nông nghèo, đông con. Bốn năm học tại Học viện Âm nhạc Huế, em đã cố gắng học tập và tranh thủ thể hiện năng khiếu đàn bầu và giọng ca đầm ấm của mình vào các buổi biểu diễn để kiếm thêm thu nhập. Em Trần Văn Hoàng vừa học tập vừa tham gia công tác xã hội, Em đã vận dụng năng khiếu âm nhạc của mình để sáng tác và biểu diễn. Em Nguyễn Hòa Phú đã vận dụng trí thông minh và sự hiếu học của mình để tranh thủ nguồn học bổng hỗ trợ cho việc học tâp….

Nhìn chung, các sinh viên khiếm thị trưởng thành từ chiếc nôi của PTCB Nguyễn Đình Chiểu đã gặp muôn vàn khó khăn về khách quan cũng như điều kiện chủ quan khi thực hiện ước mơ về tương lai. Nhưng với tinh thần vượt khó, với nhận thức đúng đắn về cái cần và đủ của mỗi công dân Việt Nam trong thời kì hội nhập, các em đã tự tin bước đến giảng đường đại học, tự tin hòa nhập với cộng đồng, tự tin sẽ đáp ứng được nhu cầu của xã hội để hoàn thành nhiệm vụ “ nâng cao dân trí, đào tạo nhân lực, bồi dưỡng nhân tài ”. Các em đã quyết tâm đi tìm ánh sáng trên giảng đường đại học. Vì vậy, mong rằng tất cả những cố gắng của các em sẽ được xã hội ghi nhận bằng cách tạo cơ hội việc làm phù hợp với năng lực chuyên môn mà các em đã vượt qua bao gian khổ để trang bị cho mình vì luôn mong muốn dù mình là người tàn nhưng không bao giờ phế.