Trường phổ thông chuyên biệt Nguyễn Đình Chiểu chặng đường hai mươi năm hình thành và phát triển.

Trường phổ thông chuyên biệt Nguyễn Đình Chiểu

chặng đường hai mươi năm hình thành và phát triển.

                                          Đỗ Thị Đỗ Quyên

       phuong Thành phố Đà Nẵng là trung tâm kinh tế, chính trị, xã hội của miền Trung và Tây Nguyên, là một trong những địa phương chịu ảnh hưởng rất lớn của chiến tranh, thiên tai. Điều đó đã để lại hậu quả nặng nề trong đời sống xã hội đối với hàng ngàn người khuyết tật. Công tác chăm sóc – giáo dục trẻ khuyết tật là nguyện vọng tha thiết của các bậc phụ huynh trẻ khuyết tật và cũng là mối quan tâm lớn của các cấp lãnh đạo. Chính vì thế Trường Phổ thông Đặc biệt Nguyễn Đình Chiểu nay là trường Phổ thông Chuyên biệt Nguyễn Đình Chiểu được thành lập.     

Vốn là một dân tộc chuộng đạo lý, từ xưa ông cha ta đã dạy “uống nước nhớ nguồn”. Đó chính là bản chất của tinh thần tôn trọng quá khứ, tìm hiểu cội nguồn dù đấy chỉ là cội nguồn, lịch sử của một ngôi trường khuyết tật. Với ý nghĩa sâu xa ấy, tôi xin phép được ôn lại quá trình hình thành và phát triển của trường Phổ thông Chuyên biệt Nguyễn Đình Chiểu sau 20 năm thành lập.

Ngày 9/12/1992 Trường Phổ thông Đặc Biệt Nguyễn Đình Chiểu (trường mù) được thành lập theo quyết định số 3414 của Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Nam Đà Nẵng với nhiệm vụ nuôi dạy trẻ em mù của tỉnh Quảng Nam Đà Nẵng (trường trực thuộc sở GD đào tạo tỉnh Quảng Nam Đà Nẵng)

Để chuẩn bị cho năm học đầu tiên, đội ngũ 11 CBGVNV được chuyển về từ trường Cao đẳng sư phạm chưa có chuyên môn về giáo dục trẻ khuyết tật cùng với một dãy nhà tạm xuống cấp. Trong điều kiện đó, mọi người phải bắt tay ngay vào công việc như: Đặt mối quan hệ với các tổ chức cá nhân từ thiện để có những hỗ trợ ban đầu; sửa chữa cơ sở vật chất, mua sắm trang thiết bị, đồ dùng dạy học; phân công cán bộ giáo viên nhân viên đến từng thôn, xã, tổ, phường để tìm và vận động trẻ em mù đến trường; đồng thời cử một số giáo viên đi học chữ nổi và tìm hiểu tâm lý của trẻ mù…. Buổi đầu với rất nhiều khó khăn vất vả nhưng với sự quyết tâm của đội ngũ CBGVNV nhà trường nên 17 trẻ mù đã được đến trường. Các em được ở nội trú trong trường, được sống trong tình yêu thương che chở bao bọc của các thầy cô và  học ở 2 lớp (lớp 1 và lớp ghép 2-3)

Tháng 1/1997 tỉnh Quảng Nam Đà Nẵng tách thành tỉnh Quảng Nam và Thành phố Đà Nẵng, trường Phổ thông Đặc biệt Nguyễn Đình Chiểu có quyết định trực thuộc Sở Giáo dục Đào tạo TP Đà Nẵng. Lúc này cơ sở vật chất đã được cải tạo, các hoạt động của nhà trường đều được tổ chức một cách quy mô, đội ngũ cán bộ giáo viên được trang bị những kiến thức cơ bản về chăm sóc giáo dục trẻ khuyết tật 100% đạt chuẩn, số học sinh cũng đã tăng lên ( năm học 1997-1998 có 44 học sinh ). Các em học sinh từ lớp 1 đến lớp 5 học chuyên biệt tại trường và từ lớp 6 đến lớp 12 các em được học hòa nhập tại trường Thực hành Sư phạm và Trường THPT Bán công Trần Phú. Ngoài học văn hóa các em còn được phục hồi chức năng, và học một số nghề như: thủ công mỹ nghệ, massage, âm nhạc.

Ngày 11/8/2004 trường chuyển về cơ sở mới tại khu dân cư Hòa Minh (nay là số 1 Lý Chính Thắng Đà Nẵng) có diện tích 6000 m2 gồm 2 dãy nhà cao tầng rộng rãi, sạch đẹp, thoáng mát. Trường Phổ thông Đặc biệt Nguyễn Đình Chiểu (trường Mù)  đổi tên thành Trường Phổ thông Chuyên biệt  Nguyễn Đình Chiểu với điều kiện cơ sở vật chất thuận lợi cùng với nhu cầu thực tế của xã hội, trường đã mở rộng đối tượng giáo dục, đón nhận trẻ ở tất cả các dạng tật như: khiếm thị, khiếm thính, khuyết tật trí tuệ, vận động, tự kỷ… từ 3-10 tuổi.

Năm học 2004-2005 với số học sinh là 65 các em được học từ bậc mầm non đến Trung học phổ thông. Trong thời gian này  trường đã triển khai công tác nhìn kém và can thiệp sớm cho trẻ khuyết tật. Đề tài nghiên cứu về can thiệp sớm cho trẻ khiếm thị được Sở Khoa học Công nghệ Thành Phố Đà Nẵng công nhận và xếp loại tốt. Công tác đào tạo và bồi dưỡng cán bộ giáo viên của nhà trường cũng từng bước phát triển. Đến tháng 8/2010 có 100% giáo viên  đạt trình độ đại học về chuyên ngành giáo dục đặc biệt. Ngoài ra công tác giáo dục ngoài giờ lên lớp cho học sinh nhằm tạo điều kiện cho các em phát triển hết khả năng còn lại có thể cũng được nhà trường quan tâm đặc biệt. Các em được tham gia hội thi thể thao, văn nghệ, thuyết trình tiếng Anh, viết thư UPU do quận, thành phố, trung ương tổ chức và đạt được nhiều giải cao như:

– Huy chương vàng bóng đá khiếm thị toàn quốc năm 2007 và 2011

– Giải nhất hội thi tiếng hát từ trái tim đến trái tim năm 2011 do Trung ương Hội người mù tổ chức.

– Giải khuyến khích cấp quốc gia viết thư UPU năm 2010

Hiện nay giáo dục hòa nhập là một xu thế, một sự tất yếu của thời đại và là mô hình giáo dục tiến bộ nhất trong lĩnh vực giáo dục trẻ khuyết tật. Chính vì điều đó và cũng để tạo điều kiện cho số đông trẻ khuyết tật được học tập, ngày 3/3/2011 giám đốc Sở Giáo dục Đào tạo ký quyết định thành lập Trung tâm hỗ trợ phát triển giáo dục hòa nhập trẻ khuyết tật trực thuộc trường Phổ thông Chuyên biệt Nguyễn Đình Chiểu. Trường Phổ Thông Chuyên Biệt Nguyễn Đình Chiểu có thêm chức năng hỗ trợ phát triển giáo dục hòa nhập trẻ khuyết tật. Với mô hình giáo dục chuyên biệt tạo tiền đề cho trẻ khuyết tật hòa nhập và thực hiện công tác hỗ trợ giáo dục trẻ khuyết tật tại cộng đồng, hiện nay Trường PTCB Nguyễn Đình Chiểu nuôi dạy 170 học sinh khuyết tật với tất cả các dạng tật, đồng thời làm công tác hỗ trợ phát triển giáo dục hòa nhập trẻ khuyết tật Thành phố Đà Nẵng. Đội ngũ CBGVNV trẻ hóa gồm 50 người được đào tạo bài bản, đủ khả năng làm tốt công tác giảng dạy ở trường chuyên biệt và thực hiện nhiệm vụ của một chuyên gia hỗ trợ giáo dục hòa nhập trẻ khuyết tật như: đánh giá, can thiệp, tư vấn, bồi dưỡng chuyên môn về kỹ năng chăm sóc giáo dục trẻ khuyết tật cho các phụ huynh và giáo viên dạy trẻ khuyết tật học hòa nhập. Công tác hướng nghiệp dạy nghề của nhà trường cũng từng bước phát triển. Các em được học một số nghề để sau này có thể tự nuôi sống bản thân như: làm hoa, làm hương, thủ công mỹ nghệ, massage, nhạc, họa. Song song với hướng nghiệp dạy nghề cho học sinh khuyết tật nhà trường đã liên hệ với một số cơ sở sản xuẩt để gửi học sinh sau khi các em ra trường.

Trải qua 20 năm hình thành và phát triển với sự nỗ lực không ngừng, trường đã góp phần không nhỏ vào mục tiêu xây dựng thành phố 5 không  của  Đà Nẵng: “ Không có người mù chữ, không có người lang thang xin ăn…”. Một số em khuyết tật đã tốt nghiệp Cao đẳng, Đại học, nhiều em ra trường có nghề nghiệp ổn định và xây dựng gia đình ấm no, hạnh phúc. Năm 2009 trường được công nhận “Trường chuẩn quốc gia mức độ 1”  và được vinh dự đón nhận huân chương lao động hạng Ba của chủ tịch nước trao tặng.

Có được thành quả như ngày hôm nay chúng tôi luôn nhắc đến công ơn của thầy giáo cố hiệu trưởng Trương Đình Nam – người đã có công sáng lập ra trường PTCB Nguyễn Đình Chiểu –  thầy giáo Phan Hoàng Dũng, nhà giáo ưu tú Lê Thị Tuyết Mai – nguyên hiệu trưởng nhà trường – cùng các thế hệ cán bộ giáo viên, nhân viên, học sinh trong nhà trường. Với sự quan tâm chỉ đạo sâu sát, tạo điều kiện thuận lợi về mọi mặt của các cấp lãnh đạo, sự giúp đỡ nhiệt tình của các tổ chức cá nhân từ thiện, đội ngũ cán bộ giáo viên, học sinh hiện nay quyết tâm đoàn kết khắc phục mọi khó khăn tiếp tục phát huy những thành quả đã đạt được, đóng góp ngày càng nhiều cho sự nghiệp giáo dục trẻ khuyết tật, nâng bước các em vào đời với hành trang tốt nhất để các em hòa nhập với cộng đồng xã hội.