CẢM NGHĨ VỀ MÁI TRƯỜNG THÂN YÊU

CẢM NGHĨ VỀ MÁI TRƯỜNG THÂN YÊU

Nhà giáo Ưu tú- LÊ THỊ TUYẾT MAI

Nguyên Hiệu trưởng trường PTCB Nguyễn Đình Chiểu

        “Khi ta ở chỉ là nơi đất ở,

  Khi ta đi đấhoa-sent bỗng hóa tâm hồn !”

 Đó là hai câu thơ mà nhà thơ Chế Lan Viên đã thể hiện một triết lí sâu sắc bằng cảm xúc trữ tình của mình : Những gì trong tầm tay, được gặp gỡ hằng ngày, ta tưởng chỉ là tầm thường nhưng khi ta đã rời xa nó thì những thứ tầm thường đó trở nên quí giá biết bao! Đúng vậy, nếu mỗi người tự chiêm nghiệm lại chặng đường đã qua của mình thì họ sẽ thấy rõ điều đó hoàn toàn đúng đắn. Bản thân tôi cũng không ngoại lệ . Khi rời xa  trường Phổ thông Chuyên biệt Nguyễn Đình Chiểu thân yêu này, lòng tôi luôn trào dâng những nỗi nhớ khôn nguôi. Ôi ! Thân thương làm sao khi những kỉ niệm hiện về trong nỗi nhớ. Cảnh và người nơi đây luôn hiện hữu trong tâm trí tôi làm nỗi nhớ bao trùm lên từng khóm hoa, ngọn cỏ cũng như giọng nói, nụ cười, ánh mắt của trẻ thơ hay của những đồng nghiệp thân yêu đã cùng tôi gắn bó gần hai mươi năm.

       Tôi làm sao quên được ngày đó, ngày 9-12-1992, tôi nhận được sự phân công làm công tác quản lí tại ngôi trường dành cho các em khiếm thị đầu tiên tại khu vực Miền Trung – trường Mù Nguyễn Đình Chiểu. Trường mới thành lập trên cơ sở của trường Cao đẳng Sư phạm Đà Nẵng (nay là trường Đại học Sư phạm), khai giảng khóa học đầu tiên với lực lượng CBGV 11 người và 17 em học sinh khiếm thị. Những ngày đầu, tôi cùng đồng nghiệp đã gắn kết thành một khối vững chắc để cùng vững tin vượt qua muôn vàn khó khăn gian khổ của giai đoạn “vạn sự khởi đầu nan”. Sau đó, qua từng ngày, từng tháng, từng năm, nhà trường đã dần dần lớn mạnh và chúng tôi học hỏi nhiều kinh nghiệm hơn trong việc nuôi dạy và chăm sóc học sinh khiếm thị. Ngoài việc dạy văn hóa, chúng tôi đã hướng dẫn học sinh tham gia sinh hoạt ngoại khóa, các phong trào văn hóa, thể dục thể thao…để các em có thể hòa nhập với cộng đồng và để nhà trường có thể sánh vai cùng với các trường khuyết tật khác trong toàn quốc. Nhà trường được xã hội quan tâm chăm sóc, được nhiều cơ sở từ thiện trong và ngoài nước hỗ trợ động viên, được lãnh đạo thành phố, lãnh đạo ngành và địa phương quan tâm, ghi nhận biểu dương…

       Mười tám năm gắn bó làm công tác quản lý, tôi tự hào đã sống hết mình, đã đem hết khả năng, kiến thức và sự nhiệt huyết của cô giáo, của người mẹ hiền, của người quản lý để cùng chung tay đóng góp vào xây dựng sự phát triển nhà trường. Tôi chưa bao giờ chùn bước trước những khó khăn, trắc trở từ cơ sở vật chất nghèo nàn, đội ngũ giáo viên còn non trẻ về chuyên môn trong lĩnh vực nuôi dạy học sinh khuyết tật; hoặc do dự, phân vân trước những việc cần phải làm và làm ngay khi việc làm đó có tính “xã hội từ thiện”, có lợi cho những người không may mắn. Hình như tôi tìm thấy nơi ấy, môi trường ấy là nơi đã tạo cho tôi nhiều nghị lực, nhiều sáng tạo, dạy cho tôi cách sống và phải có lòng nhân ái ở đời, giúp tôi hoàn thiện hơn trong tư duy mà trước đây còn rất tản mạn, mơ hồ! Và nơi ấy đã làm cho tôi cảm thấy mình không thừa, không uổng phí thời gian của đời người qua năm tháng.

Hôm nay ngồi ôn lại những kỉ niệm đã qua, tôi chợt thấy bồi hồi vì những nỗi nhớ nhung tràn ngập trong lòng. Tôi nhớ từng giai đoạn phát triển của nhà trường. Tôi nhớ từng thầy cô đã cùng chia ngọt sẻ bùi, đồng cam cộng khổ trong việc chăm sóc dạy dỗ các em.Tôi nhớ từng khuôn mặt các em học sinh, nhớ từng giọng nói, nụ cười, dáng đi của từng em học sinh khiếm thị đang mò mẫm từng bước đi trong bóng tối .. .

Cảm xúc của tôi luôn đồng hành cùng nỗi niềm cũng như thành tích của học sinh. Tôi cũng đã từng buồn khi nhìn thấy các em sụt sùi khóc vì chưa quen khi xa nhà, lạ chỗ. Tôi vui mừng và hạnh phúc khi nhìn các em tiến bộ, thành công trong đường đời như em Hà Văn Chương nay là nhạc sĩ, em Nguyễn Văn Tí hiện đang là giáo viên của nhà trường, em Nguyễn Tấn Lợi và nhiều học sinh khiếm thị khác…nay đã thành đạt và  làm được nhiều công việc có ích cho xã hội… Nhiều khi tôi tự cảm thấy mình không phải là một cô giáo mà là một người mẹ, một người chị luôn đùm bọc, chở che, nâng niu, chăm sóc cho những đứa con, đứa em bé bỏng của mình. Tình cảm đó nảy sinh một cách tự nhiên và sống mãi trong tôi cho đến tận bây giờ.

 Đến nay  trường đã lớn mạnh trong khu vực miền Trung. Ngoài việc nuôi dạy trẻ khiếm thị nhà trường còn nuôi dạy trẻ có dạng khuyết tật khác như khiếm thính, khuyết tật trí tuệ, tự kỷ… Trường cũng được đầu tư về cơ sở vật chất, đã được xây dựng mới mẻ, khang trang. Bên cạnh nhà trường, Trung tâm hỗ trợ giáo dục hòa nhập trẻ khuyết tật đã được thành lập. Sự lớn mạnh của nhà trường và những thành tích mà học sinh đã đạt được là niềm hạnh phúc lớn lao đối với mỗi thầy cô chúng tôi – những người đem đến ánh sáng và niềm tin cho các em và gia đình.

Tôi đã xa mái trường thân yêu nhưng vẫn luôn tâm nguyện rằng những người bạn của tôi hiện còn đang tại chức nơi đây hãy xem ngôi trường như một nơi để gắn kết yêu thương. Hãy vì sự phát triển của nhà trường, vì tương lai các em khuyết tật mà làm bằng hết sức mình, tạo cho các em một niềm tin yêu hy vọng. Hãy là con “ĐƯỜNG SÁNG”, là chỗ dựa vững chắc để các em phấn đấu vươn lên, sớm hòa nhập với cộng đồng. Riêng tôi, hãy cho tôi thêm sức khỏe, thêm điều kiện để tôi còn đây với những ăm ắp yêu thương và trường Phổ thông Chuyên biệt Nguyễn Đình Chiểu sẽ là mái nhà xưa của tôi, mãi mãi là nơi tôi còn có trách nhiệm, hãy cho tôi góp sức thực hiện được tâm nguyện chí tình đó.

Hôm nay, nhân dịp kỷ niệm 20 năm ngày thành lập trường, tôi cảm thấy rất vui vì được bày tỏ lòng mình và tự hào vì trong phần lớn thời gian đó có tôi là người đồng hành đan kết những thành tựu và nhìn ngắm lại sự trưởng thành. Đối với nhà trường, tôi luôn mong mỏi có những sự đột phá vươn lên; đối với các bạn và các em, tôi mong luôn có được sức khỏe, niềm tin và hạnh phúc; đồng thời tôi cũng luôn mong sự quan tâm nhiều hơn nữa của cộng đồng xã hội để đem đến hạnh phúc cho các em khuyết tật.